Tin học trở thành môn trọng tâm trong giáo dục phổ thông

Thay vì là môn tự chọn như hiện nay, trong chương trình mới Tin học trở thành môn bắt buộc có phân hóa.

Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể xác định, Tin học giữ vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại thông tin, kết nối và toàn cầu hóa. Môn học cũng hỗ trợ đắc lực học sinh tự học và tập nghiên cứu; tạo cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, phục vụ phát triển nội dung kiến thức mới, triển khai phương thức giáo dục mới và hiện đại cho tất cả môn học. 

Vì thế, so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, vị trí, vai trò của môn Tin học đã thay đổi. Thay vì là môn tự chọn như hiện nay, Tin học trở thành môn bắt buộc có phân hóa, xuyên suốt từ lớp 3 đến lớp 9. Ở cấp THPT, Tin học là môn được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, phân hóa theo hai định hướng “Tin học ứng dụng“ và “Khoa học máy tính“ (trong chương trình hiện hành không phân hóa).

Ban soạn thảo xác định, môn Tin học sẽ kế thừa chương trình hiện hành, khai thác chương trình tin học phổ thông của các nước tiên tiến; đảm bảo tính cơ bản, khoa học và sư phạm. Chương trình chọn lọc nội dung cơ bản hòa quyện của ba mạch tri thức: Khoa học máy tính (Computer Science), Công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communication Technology) và Học vấn số hóa phổ dụng (Digital Literacy); quan tâm đúng mức đến nội dung về đạo đức, văn hóa, pháp luật và ảnh hưởng của tin học lên xã hội.

Nhằm đạt được ba mạch tri thức trên, nội dung của chương trình được tổ chức thành 7 chủ đề lớn xuyên suốt trong cả ba cấp học là: (A) Máy tính và xã hội tri thức; (B) Mạng máy tính và Internet; (C) Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin; (D) Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số hóa; (E) Ứng dụng tin học; (F) Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính và (G) Hướng nghiệp với tin học. 


Hội thi tin học trẻ của học sinh THCS ở Đà Nẵng. Ảnh: Phòng Giáo dục huyện Hòa Vang.

Trong đó, giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Tin học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực ứng dụng tin học, làm quen và sử dụng Internet; bước đầu hình thành và phát triển tư duy giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của máy tính; hiểu và tuân theo các nguyên tắc cơ bản trong chia sẻ và trao đổi thông tin.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, nội dung môn Tin học được tổ chức từ các chủ đề bắt buộc và chủ đề lựa chọn theo định hướng Tin học ứng dụng hoặc theo định hướng Khoa học máy tính.

Định hướng Tin học ứng dụng đáp ứng mục đích sử dụng máy tính và hệ thống máy tính để nâng cao hiệu quả học tập, làm việc, góp phần phát triển năng lực thích ứng và năng lực phát triển các dịch vụ kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu của cuộc sống con người trong xã hội số hóa. 

Định hướng Khoa học máy tính đáp ứng mục đích bước đầu tìm hiểu nguyên lý hoạt động của hệ thống máy tính, phát triển tư duy tin học, năng lực tìm tòi khám phá, phát triển phần mềm và dịch vụ giá trị gia tăng trên hệ thống máy tính.

Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi (70 tiết/lớp/năm), trong mỗi năm, học sinh có thể chọn học một số chuyên đề (35 tiết/lớp/năm) tùy theo sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp. 

Điều kiện thực hiện chương trình

Theo Ban soạn thảo, các cơ sở giáo dục cần quan tâm đầu tư để phòng máy tính được kết nối Internet. Các trường có điều kiện nên trang bị thêm các thiết bị kỹ thuật số hiện đại như máy ảnh số, máy tính bảng, thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, robot giáo dục...). Với những trường chưa đủ điều kiện, có thể thu thập hình ảnh các thiết bị đó trên mạng để giới thiệu cho học sinh.

Đối với hệ điều hành, bộ công cụ văn phòng và các phần mềm khác, chương trình chỉ yêu cầu mức độ cần đạt mà không xác định bắt buộc sử dụng phần mềm cụ thể nào; không phân biệt là mã nguồn mở hay mã nguồn đóng. Giáo viên được khuyến khích lựa chọn các phiên bản mới, thông dụng và miễn phí; các phần mềm học tập, vui chơi giải trí...

Về thiết bị thực hành, phòng máy tính của nhà trường phải được kết nối Internet và nối mạng LAN. Các máy tính để bàn cần có cấu hình đáp ứng cài đặt được các hệ điều hành và phần mềm thông dụng, có loa, tai nghe, micro, camera. Cần đảm bảo trong giờ học thực hành số lượng tối đa học sinh sử dụng chung một máy tính ở tiểu học là 3, ở THCS là 2 và ở THPT là 1 học sinh.

Mỗi phòng học tin học (cả lý thuyết và thực hành) cần có một máy chiếu. Trong giờ học chuyên đề về robot mỗi nhóm 8 học sinh cần có ít nhất một robot giáo dục để sử dụng. Về phần mềm, các máy tính của nhà trường cần được cài đặt hệ điều hành và phần mềm ứng dụng có bản quyền, mã nguồn mở hoặc miễn phí.

Dự thảo chương trình Giáo dục thể chất sắp được công bố cùng với các môn học khác để lấy kiến rộng rãi dư luận trước khi ban hành. Theo nghị quyết của Quốc hội, chậm nhất từ năm học 2020-2021 chương trình sách giáo khoa mới được áp dụng đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.

Dịch vụ khác

Đừng chết như Kodak, Nokia: Lời cảnh báo gửi doanh nhân Việt

Đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các tư duy lãnh đạo hiện hành đã không còn phù hợp để đương đầu với tốc độ, sự biến động của thị trường đầy phức tạp. Vậy tố chất nào cần phải có cho CEO thời 4.0 để đi đến thành công?

Trí tuệ nhân tạo đang được hướng đến… nhà vệ sinh

Giám đốc điều hành Micron, Sanjay Mehrotra dự đoán trong tương lại gần, nhà vệ sinh thông minh sẽ có chức năng quét “chất thải” của bạn để chẩn đoán bệnh.

Dự luật An ninh mạng sửa quy định đặt máy chủ ở Việt Nam

Doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam.

'Trở thành TP thông minh là nhiệm vụ quan trọng của TP.HCM'

Xây dựng TP thông minh sẽ giúp TP.HCM phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách với các thành phố khác trong khu vực.

TP.HCM công bố đề án đô thị thông minh: Nhận diện và định vị người dân

Công an TP đang thí điểm hệ thống giám sát định vị người và phương tiện giao thông. Hệ thống giúp nhận dạng biển số xe, gương mặt, tích hợp với bản đồ số.

Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.